NGUYỄN HIỂN DĨNH
DANH NHÂN NGUYỄN HIỂN DĨNH
(1853 – 1926)
Tác giả,đạo diễn, nhà hoạt động Hát Bội nổi tiếng. Ông sinh năm 1853 ở làng An Quán, (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng). Cha là Nguyễn Hiển Doãn, đỗ cử nhân, làm Tri huyện rồi bị bãi chức vì có xích mích với quan trên, về nhà dạy học.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Hiển Dĩnh thi đỗ Tú Tài, được bổ làm Tri Phủ Điện Bàn, sau đó đổi sang làm Tri Huyện Hà Đông (Nay là Tam Kỳ).
Vốn là một người say mê nghệ thuật Hát Bội từ bé, thời gian làm quan ở Hà Đông, một vùng nổi tiếng về Nghệ thuật Hát Bội, Nguyễn Hiển Dĩnh có nhièu điều kiện tiếp xúc với nhiều Nghệ sĩ Ưu Tú ở đây như ông Quản Lan, ông Cửu Vị để trao đổi, học hỏi. Hai năm làm quan ở Hà Đông, Nguyễn Hiển Dĩnh tận tuỵ với công việc, được tầng lớp Văn thân và nhân dân ở đây rất mến phục. Ở Huyện lị, lúc rãnh rỗi, ông dạy cho những người lính lệ biết hát những làn điệu hát bội. Có lần Nguyễn Hiển Dĩnh khăn áo chỉnh tề đứng trước công đường bạch:
"Trì xu bách lý phi liên lộ
Trường cửu thiên xuân chúc thánh triều
Quyền Tri huyện Hà Đông
Ngã xưng danh Nguyễn Dĩnh"
Ban đầu người ta thấy lạ, nhưng sau quen, mọi người lại thích thú. Sau đó ông được đổi vào Huyện Mộ Đức tỉnh Quãng Ngãi, năm sau lại đổi ra Hà Đông trở lại thay cho Hồ Quí Thiều. Được tin này dân chúng Hà Đông rất mừng. Có người làm câu đôí dán trước cổng Huyện:
Nguyễn Dĩnh trùng lai, thiên hữu nhãn
Hồ Thiều bất khứ địa vô mao
(Nguyễn Dĩnh trở lại là trời có mắt, Hồ Thiều không đi là đất không mọc cỏ được)
Nhưng ông ở Hà Đông chỉ được một năm rồi có chỉ triệu về kinh giữ chức Phủ Thừa. Kinh đô Huế lúc bấy giờ Nghệ thuật Hát Bội rất phát triển. Ông có dịp tiếp xúc với những Nghệ Sĩ nổi tiếng ở dây như Đội Phước, Đội Sự. Ông nói với các quan ở đây: "Các ngài ra làm quan có một ước vọng lớn là từ chức nhỏ đến chức lớn, để khi về hưu được phong tước, được lộc điền. Ngược lại ,tôi thì "Tiến vi quan, thoái vi bầu gánh" là vui nhất...".
Sau đó ông được đổi ra làm Bố chính Thanh Hoá rồi chuyển vào làm Án Sát ở Quảng Trị. Ở Quảng Trị Nguyễn Hiển DĨnh phát triển Nghệ thuật Hát bội. Ông tổ chức đào tạo diễn viên, sắm sửa áo mão, đạo cụ, dựng một rạp hát lớn, giảm bớt số lính của tỉnh để thay bằng diễn viên.
Vở "Lục Vân Tiên" là vở Tuồng đầu tiên của Nguyễn Hiển Dĩnh sáng tác trong thời gian này. Có người báo vào triều đình Huế những việc làm của ông, vua Thành Thái lại nhân việc ông không gả con gai cho mình nên căm giận phê gián hai trật. Sau đó Nguyễn Hiển Dĩnh được đổi vào Huế làm Thị Lang Bộ Lễ, một năm sau ông được đổi làm Án Sát Bình Định, rồi thăng chức Bố Chánh ở tỉnh Khánh Hoà. Khánh Hoà không có Tổng Đốc nên Bố Chánh là thủ hiến của tỉnh. Ở đây có lần viên Công Sứ người Pháp đòi tăng các thứ thuế đánh vào dân chúng, ông phản đối, hai bên cãi nhau, viên Công sứ Pháp định lầy batoong đánh ông, Nguyễn Hiển Dĩnh liền vớ chai rượu trên bàn sẵn sàng đánh trả, mọi người phải can ngăn, đưa ông lên xe về tỉnh. Sau việc này Nguyễn Hiển Dĩnh xin về hưu trưoc tuổi trong văn bản gởi ra triều đình, ông viết tất cả có 08 chữ "Tòng sự nhật cửu, thỉnh hứa hồi hưu" (Làm việc đã lâu, xin được về nghỉ). Triều đình thấy thái độ ngạo mạn của ông, đã phê ngay "Đái nguyên hàm hồi quán" (Giữ nguyên hàm về làng). Ông về hưu năm 1907.
Trước kia trong thời gian làm quan, Nguyễn Hiển Dĩnh đã tìm mọi cách để hoạt động Hát Bội, nhưng công việc bận rộn và bị ngăn trở ông không làm được nhiều. Bây giờ về quê, ông dốc toàn bộ sức lực vào hoạt động sân khấu. Ông tập họp diễn viên để đào tạo , sáng tác các vở diễn. Từ năm 1907 đến 1914 lần lượt ra đời các vở "Nữ Vương xé nộm", "Lý Ân lang Châu","Viên long Viên hổ", "Trương Đồ Nhục", "Võ Hùng Vương", "Lý Mã Hiền", "Dương Phủ Nhất", "Bạch Kỳ Châu", "Lưỡng Quốc trá hôn",...
Năm 1913, ông cho dựng một rạp hát giữa làng tương đối quy mô, sắm đủ trang phục, đạo cu, quy tụ những diễn viên giỏi, hàng đêm tổ chức bán vé. Diễn viên chia làm ba loại nhất, nhì, ba. Vế bán cũng ba loại: loại nhất: 1 hào, nhà 5 hào, ba 2 xu. Số tiền thu được trích 1/10 để sắm thêm trang phục, thiết bị, số còn lại căn cứ vào ba hạng diễn viên để chia nhau. Hàng ngày cứ khoảng 2h chiều, diễn viên kéo đến nghe đọc Tuồng ở nhà ông rồi phân vai, luyện tập. Số diễn viên ở Quảng Ngãi, Bình Định, Huế cũng thường đến diễn ở rạp của ông. Về sau Nguyễn Hiển Dĩnh dời rạp hát ra Vĩnh Điện, giao chjo Chánh Đệ quản lý, Ông chuyên viết vở vqà dạy cho diễn viên năng cao nghề nghiệp.
Năm 1923 Khải Định làm lễ thọ 40 tuổi, định diễn vở Tứ Quốc Lai Vương, nhưng vở này mất hai hồi cuối. Khải Định cho triệu Nguyễn Hiển Dĩnh ra Huế để viết bổ sung. Sau lễ "Tứ tuần" Khải Định có ý thăng thưởng cho Nguyễn Hiển Dĩnh, nhưng Bộ Lại và Toà Khâm Sứ tâu "Nguyễn Dĩnh tùng sự gian đã liệt tích" (Nguyễn Dĩnh làm quan có nhiều việc không tốt) nên không được thưởng. Những năm cuối đời ông còn viết vở "Phong Ba Đình" (2 hồi) trong đó Nhạc Phi bị Tần Cối dèm buộc phải lui binh và bị bắt giam. Triều đình giao cho Châu Tam Uý tra hỏi. Tam Uý là người tốt biết Nhạc Phi bị tội oan nên than thở. Lời than của Châu Tam Uý có cái gì như lời tâm sự của tác giả.
Nguyễn Hiển Dĩnh mất tháng 10 năm 1926, thọ 73 tuổi. Trong lịch sử hát Bội Việt Nam, sau Đào Tấn thì Nguyễn Hiển Dĩnh là người có công lớn. Ông không những viết nhiều vở, tuồng bi hùng, tuồng hài, có những vở rất nổi tiếng, như Võ Hùng Vương Trương Đồ Nhục . Không những sáng tác, ông còn đào tạo diễn viên, tổ chức biểu diễn.
TÁC GIẢ: NGUYỄN HƯNG THÔNG