NSND NGÔ THỊ LIỄU
NSND NGÔ THỊ LIỄU
(1908 - 1984)
NSND Ngô Thị Liễu sinh tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Liễu là tên tự chọn về sau. Thuở còn thiếu nữ, bà có tên Ngô Thị Trị. Đỗ bằng Tuyển sanh. Người Quảng Nam bao giờ cũng nghĩ về bà như về một nghệ sĩ đồng hương mặc dù sinh quán bà tại Quảng Trị.
Lúc 13 tuổi, bà Liễu đã mộ Tuồng đến độ lập một đội tuồng con nít, thường tổ chức những buổi biểu diễn mua vui. Tất nhiên, khán giả cũng là con nít và bài bản thì bắt chước các gánh hát từ Huế, Quảng Nam ra lưu diễn tại Quảng Trị. Do đó, thật dễ hiểu khi ta thấy bà đã dành trọn cả đời mình cho nghệ thuật Tuồng, dù con đường nghệ thuật ấy không ít đắng cay.
Năm 16 tuổi, khi có người đòi mua bà với giá 300 ngàn đồng, bà đã bỏ vào Huế, lấy chồng là diễn viên, con trai của ông Tá Heo, một bầu gánh. Một “Cụ Lớn” trong triều gọi gánh hát đến nhà riêng, lợi dụng dở trò trêu chọc liền bị Ngô Thị Liễu mắng. Vì việc này, gia đình chồng đánh đập bà. Tức uất, Ngô Thị Liễu bỏ chồng, đem con vào sống ở Quảng Nam. Bản thân bà Liễu trải qua nhiều nỗi truân chuyên, nếm trải đủ mùi khổ nhục trong chế độ thực dân nửa Phong kiến, nhất là giai đoạn hành nghề ở quê nhà và kinh đô Huế.
Năm 25 tuổi (1933), Ngô Thị Liễu là đào chính của gánh hát Chánh Đệ. Năm 1937, gánh hát đi lưu diễn nhiều nơi nhưng đời sống diễn viên vẫn gặp khó khăn, Ngô Thị Liễu lên bến đền hát cho gánh ông Nhàn. Tên tuổi và tài năng của bà đã vực gánh hát này lên một thời. Đến khoảng năm 1939 - 1940 bà cùng với Nguyễn Lai và soạn giả Tống Phước Phổ lập gánh hát Tân Thành Ban, một gánh hát có khuynh hướng tiến bộ thời đó và bị mật thám Pháp thường xuyên theo dõi. Đời sống diễn viên lại gặp khó khăn và bị đe doạ. Cách mạng tháng 8 rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà Liễu hòa mình vào dòng thác Cách mạng, tham gia diễn vở “Cờ giải phóng”, một vở do anh em tù chính trị viết, đưa từ ngục Kontum về. Rồi thời kỳ tản cư, Ngô Thị Liễu và hai con cũng tham gia công tác kháng chiến.
Năm 1952, khi khu uỷ Liên khu V lập đoàn Tuồng Liên Khu V, bà Ngô Thị Liễu trở lại với sân khấu, tham gia diễn các vở “Trưng Trắc”, “Tam Nữ đồ Vương”, của Tống Phước Phổ, “Đường về Vụ Quang” của Hoàng Châu Ký, “Chị Ngộ” trong vở tuồng cùng tên của Nguyễn Lai. Trong 9 năm kháng chiến, bà Liễu là cô Đào đầu tiên của Đoàn Tuồng Liên khu V. Tinh thần phục vụ của bà đáng để cho các thế hệ diễn viên noi theo. Có lúc bà đã ra sân khấu trong cơn sốt rét. Năm 1954, bà Liễu tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, ngoài biểu diễn, bà còn tham gia các hoạt động nghệ thuật Tuồng như đào tạo diễn viên trẻ, tham dự các hội nghị, hội thảo về Tuồng, bà được học tập văn hóa, nâng cao trình độ lý luận về nghề nghiệp và tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu quốc tế. Có một thời gian, bà Liễu giữ chức giám đốc nhà hát Tuồng Trung Ương, tham gia Ban Chấp hành Hội bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam và giảng dạy tại trường sân khấu..
Sau năm 1975, bà về quê, vừa giảng dạy vừa biểu diễn. Cho đến năm 1981, sau 60 năm hoạt động trên sân khấu hát Bội, nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu đã đóng đến 18 vai kép con và 37 vai đào, nghĩa là đủ các kiểu vai trong hai loại vai này. Đây là trường hợp hiếm có vì mỗi nghệ sĩ thường chuyên một loại vai như lão văn, lão võ, kép đỏ, kép xanh,đào thương, đào ác... Không những thế, các vai do bà Liễu sắm thường trở thành những vai mẫu mực cho các diễn viên trẻ rèn luyện. Để được như vậy, bà Liễu cho biết: “Đời tôi có nhiều may mắn, được học với bậc thầy lỗi lạc như cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, được diễn cùng các nghệ sĩ xuất sắc đương thời như Chánh Đệ Phó Phẩm, Đội Tảo, Phó Sơn, Sáu Lai... Nhưng cái chính vẫn là công phu khổ luyện của bản thân”... Tài năng của Ngô Thị Liễu xuất phát trước hết từ niềm say mê cùng vốn sống vô cùng phong phú của một đời nghệ sĩ hết lòng phục vụ nghệ thuật. Bà Liễu đã dành trọn thời gian của mình để luyện tập, nắm bắt tất cả những bí quyết của nghề Tuồng. Bà là diễn viên thông thạo hệ thống làn điệu, vũ đạo và có khả năng phân tích tâm lý nhân vật, vai diễn... Bà Liễu cho biết, một nghệ sĩ chân chính phải học rất nhiều ở khán giả, ở cuộc sống. Ngoài việc thường xuyên rèn luyện giọng hát, động tác vũ đạo, người diễn viên còn phải có tài ứng biến nhanh, thông minh trong các tình huống đột ngột.
Năm 1983 bà được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đợt đầu tiên. Bà qua đời năm 1984. Ngày nay bà Liễu không còn nữa nhưng mãi mãi vẫn là ngôi sao sáng của sân khấu Tuồng miền Trung và các thế hệ diễn viên do bà góp công đào tạo đang nỗ lực noi theo tấm gương lao động của bậc thầy đáng kính.