NSND NGUYỄN LAI
NSND NGUYỄN LAI
(1902 - 1982)
Nghệ sĩ Nguyễn Hiển Lai, còn gọi là Sáu Lai . Ông sinh năm 1902 ở An Quán, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở nhỏ Nguyễn Lai học chữ Hán với cha và rất mê hát Bội. đến khi cha mất, Nguyễn Lai đến ở nhà người bác ruột là cụ Tuần Nguyễn Hiển Dĩnh để ăn học, sau vì mê tuồng nên được cụ Nguyễn Hiển Dĩnh cho làm chân nhắc vở cho gánh hát Tuồng An Quán.
Đối với nghề hát Bội, Nguyễn Lai có những nhược điểm bẩm sinh như giọng hát bị lệch, đôi mắt quá nhỏ, cái nhìn chậm, do đó nét mặt thiếu sinh động. Nguyễn Lai phải mất hơn 10 năm khổ luyện để khắc phục những nhược điểm ấy. Bắt đầu là luyện mắt dưới sự hướng dẫn của Quyền Nhi, một bậc tài hoa có đôi mắt biết nói với biệt danh Bích Nhãn Nhi, sau đó là luyện giọng, tập điệu bộ. Chỉ hai câu hát nam của Triệu Khánh Sanh trong vở “Diễn Võ Đình” của Đào Tấn mà Nguyễn Lai đã phải mất hàng năm trời tập luyện mới ổn:
Xắn tay lần gỡ mối sầu
Tóc lau đã trổ trên đầu hùng anh
Cuối cùng là giai đoạn sắm vai, Nguyễn Lai cũng gặp vô vàng khó khăn. Đến năm 20 tuổi (1922), Nguyễn Lai mới bắt đầu lên sân khấu. Trước hết là xin đóng thay các diễn viên trong những đêm lưu diễn ở nông thôn. Đây là thời gian Nguyễn Lai diễn hầu như tất cả các vai từ Khương Linh Tá đến Tử Trình, Đổng Mẫu, Tạ Ôn Đình, Địch Thanh, Đào Phi Phụng... Nhờ công việc nhắc vở và thường xuyên được xem các diễn viên đóng nên khi diễn Nguyễn Lai đạt được những thành công nhất định. Vai Vương Hoành trong vở “Nhạc Phi Phá Lỗ” là vai diễn đầu tiên Nguyễn Lai chính thức được phân công đóng cho chính người bác ruột là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh xem. Và từ đó, Nguyễn Lai được coi là nghệ sĩ Hát Bội và thực sự nổi tiếng toàn Quảng Nam vào năm ông 27 tuổi.
Thời gian này, trong giới hát Bội Quảng Nam đã có các nghệ sĩ tài hoa như Chánh Đệ với vai lão võ, Phó Phẩm với vai lão văn, Đội Tảo với vai kép, anh Thuỳ với vai tướng và sau đó là Nguyễn Lai với vai nịnh. Cả năm hợp thành ngũ mỹ. Vai nịnh đầu tiên của Nguyễn Lai là “Trương Vô Khiếp” trong vở “Giác Oan”, rồi sau đó là “Trụ Vương” trong vở “Phong Thần”, “Trùm Sò” trong vở “Nghêu Sò Ốc Hến”...
Tại Quảng Nam, khi Cải lương Sài Gòn ồ ạt tràn ra, hát Bội gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, Nguyễn Lai giả từ gánh hát Chánh Đệ, cùng với Phó Phẩm lập gánh hát riêng tại Tam Kỳ nhưng không thành, cuối cùng ông phải về quê học nghề thuốc.
Năm 1933, triều đình Huế đòi chánh, phó ca Quảng Nam tuyển chọn diễn viên hát Bội ra Huế lấy tiền giúp nạn lụt ở Nghệ An. Nguyễn Lai trở lại với nghề hát Bội và trong giai đoạn này Nguyễn Lai lập gia đình với bà Ngô Thị Liễu, một nghệ sĩ nổi tiếng người Quảng Trị.
Năm 1941, Nguyễn Lai và vợ Ngô Thị Liễu lập gánh Tân Thành Ban với chủ trương cách tân sân khấu hát Bội. Tân Thành Ban lưu diễn nhiều nơi từ Đà Lạt đến Nghệ An. Về sau, mật thám Pháp nghi có “bàn tay Cộng sản” nên không cho Tân Thành Ban lưu diễn ngoài tỉnh.
Cách mạng tháng 8 rồi kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Lai tiếp tục hoạt động sân khấu hát Bội và ông là một trong những người sáng lập Đoàn Tuồng Liên Khu V. Năm 1953, vở “Chị Ngộ” của Nguyễn Lai được biểu diễn và được người xem hoan nghênh nhiệt liệt. Năm 1954, vở “Chị Ngộ” được giải khuyến khích tặng thưởng Phạm Văn Đồng của Hội Văn nghệ Liên khu V. Năm 1956, vở “Chị Ngộ” đoạt giải 3 trong Đại hội Văn công toàn quốc.
Thời gian tập kết ra Bắc, nghệ sĩ Nguyễn Lai vừa hoạt động ở Đoàn Tuồng Liên khu V vừa đảm nhiệm công việc đào tạo ở trường nghệ thuật sân khấu với cương vị Chủ nhiệm khoa Tuồng. Ông đã cùng với các nhà nghiên cứu chỉnh lý lại một số vở tuồng cổ như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Trảm Trinh Ân”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”...
Sau khi miền Nam giải phóng, nghệ sĩ Nguyễn Lai về Đà Nẵng dựng các tiết mục cổ và đào tạo diễn viên cho Đoàn tuồng Phương Nam và sau đó là đoàn Tuồng Quảng Nam Đà Nẵng.
Năm 1983, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. ông mất năm 1984.
NGUYỄN ĐÌNH AN