ÂM NHẠC TUỒNG
ÂM NHẠC TUỒNG
Âm nhạc Tuồng được hình thành và phát triển trên nền tảng của âm nhạc dân gian, được hình thành do sự đòi hỏi kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên trên sân khấu Tuồng. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác như chèo, Cải lương, Dân ca…đây là loại hình âm nhạc sân khấu, âm nhạc Tuồng rất đa dạng và phong phú, kết cấu mở, nên có sự co giãn đặc biệt.
Âm nhạc Tuồng đóng một vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật sân khấu Tuồng, nó xuất hiện từ lúc “khai trương” mở màn cho đến khi “định đô” kết thúc một đêm diễn. Âm nhạc Tuồng mang tính bi hùng, quy phạm và niêm luật chặt chẽ, được tạo ra từ sự tổng hợp các hình thức âm nhạc như nhạc hát và dàn nhạc. Âm nhạc trong Tuồng đóng một vị trí vô cùng quan trọng, có sức thu hút kỳ lạ, thôi thúc mọi người đến xem hát.
Nhạc trong Tuồng gồm 2 bộ phận chủ đạo: khí nhạc (dàn nhạc) và thanh nhạc.
Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...). Số lượng nhạc cụ trong dàn nhạc tuồng không cố định về số lượng. Một dàn nhạc cổ thường gồm có: trống chầu, trống chiến - được mệnh danh là vị phó sư của dàn nhạc, về sau có thêm trống trận, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản, đàn nhị, sáo, chập choã, não bạt… Hiện nay, tùy theo quan điểm thẩm âm của từng vùng, quy mô, số lượng nhạc cụ trong mỗi dàn nhạc cũng có điểm khác nhau.
Trong dàn nhạc Tuồng người ta chia làm 2 nhóm nhạc cụ dựa theo vai trò và chức năng của chúng.
+ Nhóm nhạc cụ chủ chốt gồm:
- Trống
- Kèn
- Nhị (đàn cò)
+ Nhóm nhạc cụ màu (Là những nhạc cụ phụ, điểm tô thêm làm đa dạng âm sắc, âm vực của nhạc Tuồng) gồm:
- Bộ Hơi
- Sáo, tiêu
- Bộ Gảy- Thập lục, Tam đại, Tứ đại, Đàn bầu, Đàn Nguyệt
- Bộ Gõ: Thanh la, mõ, song loan, sành sứa, bồng, trống cơm
Trong dàn nhạc Tuồng không thể thiếu một trong ba loại nhạc cụ là trống, kèn, Nhị. Chúng là nền tảng giữ các vai trò chủ đạo của đêm diễn.
- Trống: ngày xưa người ta gọi người đánh trống là “phó sư” vì trong bộ trống có trống chiến đóng vai trò là “đạo diễn” tiết tấu mà nhạc sân khấu chủ yếu là tiết tấu, bằng sự sáng tạo của nhạc công kết hợp với âm sắc phong phú của các loại trống đã tạo nên không khí bi hùng của một đêm diễn.
- Kèn: Là một trong 3 nhạc cụ chủ chốt, nó được dùng để lấy bậc cho người hát, dùng giai điệu để đặc tả tính cách của nhân vật. Giới thiệu không gian và diễn tả tâm trạng nhân vật.
Kèn là loại nhạc cụ sử dụng bằng hơi, rất quen thuộc với nhân dân. Đây là một trong 3 nhạc cụ chủ chốt của dàn nhạc Tuồng.
Nghệ thuật Tuồng là một bộ môn mang tính bi hùng kịch nên dàn nhạc cũng phục vụ cho tính chất ấy. Kèn là một nhạc cụ hỗ trợ đắc lực cho sự biểu hiện tình cảm của nghệ thuật Tuồng, nhất là góp phần cùng trống tạo các cao trào phục vụ diễn xuất.
Kèn gây không khí cho nói và hát. Kèn còn dùng âm thanh phục vụ cho không gian, thời gian. Khi cần kèn còn tạo ra tiếng động theo yêu cầu sân khấu như: ngựa hí, gà gáy v.v…
Kèn có những mặt ưu điểm về âm lượng và giai điệu, tạo nên những tình huống cao trào cho nền nhạc. Đó là đặc điểm thuận lợi cho việc ứng dụng với diễn xuất. Tuy nhiên sự linh hoạt, sáng tạo và rung cảm tâm hồn nhạc công là quan trọng.
- Đàn nhị: (hay còn gọi là đàn cò)
Nhị là một nhạc cụ quen thuộc của nhân dân ta, ngày nay được sử dụng rộng rãi trong dàn nhạc sân khấu truyền thống và ca múa dân tộc. Tính năng đàn Nhị phong phú, tạo nhiều thuận lợi cho nhạc công biểu diễn. Nhị là một trong ba nhạc cụ chủ chốt. Âm thanh Đàn Nhị là chiếc cầu nối giữa giọng hát của diễn viên với dàn nhạc. Trong đêm diễn nếu như Trống nặng về tiết tấu, kèn thể hiện tính bi hùng thì Nhị là nhạc cụ dẫn dắt về mặt giai điệu, nó có nhiệm vụ đưa làn hơi và gợi cảm cho diễn viên thể hiện các trạng thái tình cảm cho nhân vật.
Ngoài ra Đàn Nhị còn tạo ra những yêu cầu tiếng động trên sân khấu: gió thét, nước chảy, ngựa hí….
Trong nhạc Tuồng có âm nhạc không lời và âm nhạc có lời
+ Âm nhạc không lời: Gồm các câu nhạc, đoạn nhạc do dàn nhạc dùng nhạc khí để tấu lên.
Đối với sân khấu Tuồng, nhạc khai trường là nhạc hiệu cho kịch chủng của nghệ thuật Tuồng. Nó có màu sắc và dấu ấn riêng biệt. Khi dàn nhạc tấu lên người nghe có thể biết ngay đó là kịch chủng Tuồng. Ngoài ra âm nhạc Tuồng có sử dụng nhiều đoạn nhạc dùng để chuyển từ lớp này sang lớp khác, để thay đổi không gian sân khấu, dẫn dắt và giới thiệu nhân vật xuất hiện, làm cầu nối giữa các lớp tạo cho người xem không bị gián đoạn (ngày xưa sân khấu Tuồng trang trí rất đơn giản, diễn viên không dùng màn để thay đổi không gian. Chính vì vậy âm nhạc rất quan trọng, nó kết thành một chuỗi từ đầu cho đến khi kết thúc đêm diễn. Bên cạnh đó, để phụ họa cho các động tác võ đạo (Múa không lời, đánh kiếm, đấu võ…) nhạc Tuồng có những bản nhạc (nhạc chiến đấu) nhằm tạo không khí cho vở diễn và những bản nhạc biểu hiện tình cảm của nhân vật (tâm trạng bên trong và những đột biến của kịch tính)
+ Nhạc có lời: Là loại nhạc đệm cho diễn viên hát, nói bao gồm Làn điệu và Bài bản
* Về Làn điệu: Gồm các điệu nói lối và các điệu hát Nam, Khách, Tẩu v.v…
Âm nhạc vào các làn điệu rất phức tạp thường có các câu dạo cho làn điệu, khi đệm cho hát các giai điệu được lặp đi lặp lại nhiều lần. Để khỏi nhàm chán cho diễn viên và khán giả người nhạc công phải biết sáng tạo và rất manh nha trong biểu diễn (sáng tạo nhưng phải theo khuôn khổ nhất định không được phá vỡ cấu trúc)
* Về Bài bản: Là những bản nhạc tương đối hoàn chỉnh ví dụ như các loại nhịp 1, nhịp 3, nhịp 4 và các điệu Giá Ban v.v…Khi đệm nhạc cho các Bài bản, Nhạc công chỉ cần nắm vững cấu trúc điệu thức để đệm.
- Về cụm từ nhạc (Bát âm): Có nhiều ý kiến và cách giải thích về điều này, xin nêu ra để tiện việc tìm hiểu thêm:
- Bát âm là dàn nhạc có tám (8) loại nhạc cụ
- Bát âm là dàn nhạc có tám (8) người…
- Bát âm là tám (8) loại vật liệu tạo ra âm thanh nhạc (Mộc - Kim -Thổ - Cách - Ty - Tơ - Bào - Khí)
+ Gỗ: âm của gỗ (Mõ gỗ)
+ Kim: âm của kim loại (phèng la, chụp chõa)
+ Thổ: Âm của đất (nhạc cụ Bồng)
+ Cách: tiếng kêu của tre (cặp phách tre)
+ Ti: Đàn Tỳ Bà
+ Tơ: âm của dây tơ (các loại đàn Nguyệt, Nhị, Bầu, Trang, Sến…)
+ Bào: Âm của da động vật (Trống)
+ Khí: Các loại nhạc cụ tạo ra âm thanh nhờ có hơi thổi vào tạo ra âm thanh (Tù và, Sáo, Tiêu, Kèn…)
Âm nhạc tuồng đóng một vai trò hết sức quan trọng, ông cha ta đã nói rằng: "Không có tiếng trống thì không ra tuồng", xem tuồng không chỉ xem hát, múa, diễn xuất của diễn viên mà còn nghe các phần tấu lên của dàn nhạc tuồng nên đã có câu:
“Tối nghe trống chiến, không khiến cũng đi
Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”…..
BÀI VIẾT CỦA NHÀ HÁT TUỒNG NGUYỄN HIỂN DĨNH
DỰA TRÊN TƯ LIỆU SƯU TẦM CỦA CÁC THẦY