MẶT NẠ
Nghệ thuật Tuồng với cách hóa trang tạo nên diện mạo cho nhân vật, không có gì là tả thật, mà hoàn toàn tượng trưng. Nghệ thuật hóa trang khuôn mặt của Tuồng mang tính tượng trưng cách điệu cao chủ yếu dựa trên những đường nét hội họa cơ bản. Vì vậy, người diễn viên, ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải có khả năng làm họa sĩ để biết tự vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào.
Nhờ những gương mặt được hóa trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Ví dụ như: màu đỏ son hay đỏ ngân là tượng trưng cho người anh hùng, trung trinh tiết liệt, có thể kể đến những nhân vật như Quan Công, Cao Hoài Đức, Địch Thanh…Nếu gương mặt được đánh nền là màu trắng mốc, thì đích thị là kẻ gian thần, xu nịnh, chẳng hạn như Bàng Hồng, Đổng Trác, Tào Tháo…Màu đen thì lại tượng trưng cho những người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng và chân thực. Đó là Trương Phi, Trịnh Ân, Uất Trì Cung…Người có tuổi, kẻ bần hàn như lão chài, lão tiều thì mặt cũng có sắc màu biểu trưng: màu xám dợt. Tương tự, màu xanh được dùng cho khuôn mặt của những người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma như: Ngô Tôn Quyền, Cáp Tô Văn…
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Huế
NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế dạy hóa trang mặt nạ cho NS Tấn Đông