MÚA TRONG NGHỆ THUẬT HÁT BỘI
Ngoài diễn và hát thì múa là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật hát Bội, nó dùng toàn bộ thân thể người diễn viên để góp phần diễn tả tình cảm tư tưởng của nhân vật khi mà yếu tố diễn và hát không thể nói hết được. Nếu người diễn viên biết áp dụng sáng tạo động tác để xây dựng hình tượng nhân vật có giá trị tư tưởng nghệ thuật thì sẽ gây cho khán giả những ấn tượng sâu sắc. Nói chung những động tác múa trong hát Bội đều bắt nguồn từ những động tác trong sinh họat hằng ngày của con người mà ra như: lạy, chào, mời, chỉ, kêu gọi, chèo thuyền, đốn củi, cày ruộng… nhưng nó đã dựa trên cơ sở đường nét của múa dân gian và động tác quyền thuật Việt Nam nâng lên thành những động tác múa để thể hiện cuộc sống của các nhân vật trong sân khấu hát Bội.
Múa trong hát Bội chia ra làm hai thể loại: loại cho chất văn và loại cho chất võ. Động tác của nhân vật rong loại văn thường chỉ thông qua đường nét vận chuyển của động tác múa dân gian mà lên, còn động tác của nhân vật thuộc loại võ thì phải thông qua đường nét vũ thuật. Ví như cũng động tác chỉ, đuổi, …nhưng với nhân vật loại văn thì đường nét vận chuyển đơn giản hơn; trái lại nếu là loại võ thì nhất thiết phải kết hợp với động tác xoan, xỏ, bọc, úp.
Động tác múa trong hát Bội thực chất là động tác hình thể, động tác kịch câm được múa hóa. Cũng động tác sờ tường, mở cửa…Nếu là kịch câm thì trên sân khấu không có tường không có cửa nhưng người diễn viên phải làm thế nào để người xem thấy là đang sờ tường mở cửa thật. Đối với nghệ thuật hát Bội cũng vậy, cũng với sân khâu trống trơn, cũng phải làm cho người xem hình dung là đang sờ vào tường đang mở cửa nhưng ngoài cái đó người diễn viên hát Bội còn phải nâng những động tác đó lên thành thành múa nữa.
Vì vậy động tác trong nghệ thuật hát Bội không chỉ là những cử chỉ đơn thuần mà còn là thứ ngôn ngữ nhằm nói lên tình cảm thái độ của người nghệ sĩ đối với nhân vật mình tái hiện.
Tác giả: NSƯT NGUYỄN VĨNH HUẾ
