KỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM: Nghệ thuật sân khấu truyền thống thiếu tầng lớp kế cận
KỶ NIỆM NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM
Nghệ thuật sân khấu truyền thống thiếu tầng lớp kế cận
Ngày nay, thời đại của khoa học và công nghệ đang phát triển mạnh mẽ; các hình thức biểu diễn nghệ thuật sân khấu theo hình thức truyền thống (che rạp, dựng sân khấu, tổ chức bán vé…) gần như không còn phù hợp. Nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng gặp rất nhiều những khó khăn, gần như phải nhường chỗ cho các hình thức biểu diễn mới theo phương thức hiện đại, công nghệ giải trí hiện đại… Địa bàn và đối tượng phục vụ của nghệ thuật sân khấu theo cách truyền thống ngày càng bị thu hẹp, tính cộng cư của cộng đồng dân cư nhiều nơi bị thay đổi do việc quy hoạch, di dời, giải tỏa đã tác động nhiều đến việc sân khấu đang mất dần khán giả. Nghệ thuật truyền thống không còn vị trí “độc tôn” trong đời sống xã hội.. cũng chính vì vậy mà ít người đam mê và theo đuổi nghề.
Để trở thành một diễn viên nghệ thuật truyền thống giỏi phải trải qua một quá trình học tập và rèn luyện hết sức vất vả. Là loại hình đặc thù, khó học và phải rèn luyện trong thời gian dài, thường khi học xong tại ở các trường nghệ thuật thì khi về đơn vị công tác cũng cần phải tiếp tục nỗ lực rèn luyện mất một thời gian từ 2 đến 3 năm mới có thể đảm nhận và hoàn thành các vai diễn. Chính vì vậy rất ít người theo học, không có nguồn để đào tạo, có những người theo học rồi nhưng thiếu kiên trì dẫn đến lòng yêu nghề cũng bị lung lay dẫn đến bỏ hoặc chuyển nghề.
Thu nhập của diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống nói chung là rất thấp, đa số qua đào tạo trung cấp (Các loại hình nghệ thuật truyền thống mới có hệ đại học một số ngành và cũng chỉ mới có vài năm gần đây) hưởng ngạch lương viên chức hạng B (Bậc khởi điểm là 1,86 và bậc cuối cùng là 4,06). Vì là nghệ thuật truyền thống nên ít có cơ hội đi làm thêm để tăng thu nhập, đời sống hết sức khó khăn. Đó là chưa nói chuyện khi tốt nghiệp về đơn vị công tác còn phải chờ thi hoặc xét tuyển (vì còn phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế, số lượng vị trí việc làm của đơn vị)…đây cũng là nguyên nhân dễ bỏ hoặc chuyển nghề.
Nói chung còn nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nữa nhưng có một nguyên nhân mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm nhất là trong giai đoạn hiện nay đó là những nguyên nhân do chính công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chúng ta tạo ra. Sự đầu tư chuyên môn cho diễn viên trẻ chưa được quan tâm đúng mức, việc tập huấn nâng cao nghiệp vụ chưa được thường xuyên, nhiều diễn viên trẻ ít có cơ hội tham gia các vai diễn, nhạc cụ chính trong chương trình kịch mục của đơn vị, các cuộc hội thi, hội diễn sân khấu. Trong các cuộc hội thi, hội diễn, có những đơn vị vì muốn đạt thành tích cao nên chỉ tập trung cho các NSND, NSƯT đóng các vai chính, có những nghệ sỹ nhận thức được điều này đề nghị Hội đồng chuyên môn đơn vị để cho các em trẻ được tham gia đóng vai tuy nhiên có những đạo diễn có thể vì nhiều lý do khác nhau nên cũng tuyên bố thẳng thừng rằng “nếu NSND này, NSND kia không đóng vai thì tôi bỏ vở”…. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu các NSND, NSƯT đóng vai thì thời gian dựng vở sẽ ngắn hơn, các NSND, NSƯT đóng vai thì dễ có huy chương hơn (vì BGK khó chấm lắm)….và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một số diễn viên trẻ bỏ nghề. Có những đơn vị sau khi các NSND, NSƯT nghỉ hưu thì lực lượng biểu diễn vô cùng thiếu hụt và khó khăn vì thiếu diễn viên hoặc có diễn viên trẻ nhưng trình độ chuyên môn yếu do thiếu đào tạo, rền luyện và tôi luyện bản lĩnh sân khấu. Tôi cho đây là nguyên nhân chủ quan do chính chúng ta tạo ra và chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
17.9.2021
NSƯT TRẦN NGỌC TUẤN