NGHỆ THUẬT "TUỒNG XỨ QUẢNG" NGÀY XUÂN
Mùa xuân là mùa lễ hội cổ truyền, mùa mà các địa phương thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: lễ hội Cầu ngư, lễ hội đình làng, lễ hội Quán Thế Âm… Đối với người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và vùng đất Quảng Nam, trong các dịp sinh hoạt lễ hội, không thể thiếu vắng những đêm rộn rã tiếng trống chầu. Từ rất lâu, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được xem là một phần không thể thiếu của sinh hoạt lễ hội. Thông thường, hát Tuồng sẽ đảm nhận cả phần lễ và phần hội. Phần lễ thường hát các trích đoạn Tuồng cổ tiêu biểu hoặc các làn điệu phục vụ nghi thức cúng bái như hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư, hát chúc phúc Phước - Lộc - Thọ, múa trình tường, múa dâng rượu tại các đình - đền - miếu … Phần hội thường chọn diễn những vở có nội dung thoả mãn tình cảm, nguyện vọng của dân chúng (diệt nịnh định đô, những vở có nội dung xum họp, đoàn tụ hay cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màn bội thu…), các tiết mục mộc mạc, vui tươi để biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con nhân dân mỗi dịp tết đến xuân về.
Từ đầu xuân 2025 đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tham gia biểu diễn nghệ thuật Tuồng phục vụ người dân tại nhiều địa phương của thành phố Đà Nẵng như đình làng Hòa Mỹ, lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê, lễ hội quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, đình làng Xuân Dương - Nam Ô, đình làng Mân Thái, đình làng Trung Nghĩa - Hòa Minh... và các vùng lân cận thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam như Hội An, Quế Sơn... Là một món ăn tinh thần không thể thiếu, nhiều địa phương mời đơn vị về diễn 2 hoặc 3 đêm Tuồng. Đêm nào cũng được người dân xem đông đảo, hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình. Thế hệ người lớn tuổi xem Tuồng của thời nghệ thuật Tuồng đạt điểm hoàng kim giờ không còn nhiều, tuy nhiên đối tượng khán giả xem Tuồng ngày nay cũng khá phong phú và đông đảo. Ngoài việc đến nghe hát và xem biểu diễn Tuồng, một số các chú bác lớn hoặc trung tuổi rất đam mê cầm chầu. Vừa xem Tuồng vừa thưởng chầu với một tâm thế say mê, hào hứng là một điểm đặc biệt thu hút khán giả trong các đêm biểu diễn. Đối với người dân nơi đây, việc xem hát Tuồng ngày tết, ngày lễ hội không chỉ là để mua vui, giải trí mà còn để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màn bội thu, cầu mong một năm mới ấm no, vạn sự hanh thông. Sau mỗi đêm diễn, những câu chuyện bàn về tuồng tích hôm qua lại được bàn tán. Vậy mới nói, Tuồng luôn mang một bản sắc riêng, một giá trị đặc biệt và vẫn giữ được chỗ đứng quan trọng trong đời sống đương đại. So với các loại hình nghệ thuật giải trí hiện nay, Tuồng không còn là bộ môn nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ như trước đây. Tuy nhiên, theo quan điểm trở về với truyền thống xưa để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên, về những giá trị làm nên bản sắc văn hóa của người dân Việt Nam thì Tuồng là bộ môn nghệ thuật điển hình. Chính niềm say mê yêu Tuồng của người dân địa phương Đà Nẵng và các vùng lân cận là động lực lớn mang lại sức sống mới cho Tuồng trong cuộc sống đương đại, chính họ đã góp phần bảo tồn Nghệ thuật Tuồng trong dân gian. Và đối với những người Nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, mùa xuân cũng chính là mùa lễ hội cho những người làm nghệ thuật. Bởi lẽ, với người nghệ sĩ được sống với nghề, sống bằng nghề, được cống hiến, biểu diễn, mang tinh hoa nghệ thuật truyền thống phục vụ nhu cầu giải trí cho bà con nhân dân là một niềm vinh dự, tự hào trong cuộc đời hoạt động Nghệ thuật của mỗi người.
Một số hình ảnh các buổi biểu diễn
Biểu diễn phục vụ lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng 19/2 Âm lịch
Một buổi biểu diễn Tuồng tại xã Cẩm Thanh - Hội An
Một buổi biểu diễn Tuồng dịp lễ hội cầu ngư tại đình làng Mân Thái - Sơn Trà
Tin bài: Bách Trang
