VẸN MỘT CHỮ TÌNH CÙNG QUÊ HƯƠNG TUỒNG TIÊN LÃNH
Những cơn mưa nặng hạt giữa đầu tháng 9 khiến cho các ngả đường của xứ núi Tiên Lãnh trở nên lầy lội, trơn trượt. Không quản khó khăn, những thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đến tận nơi thăm hỏi các gia đình từng có thời gian gắn bó, cưu mang thời kháng chiến chống Mỹ. Ngày hội ngộ, nhiều mái đầu nay đã điểm bạc có dịp sống lại với ký ức nghĩa tình. Vào ngày 21.7.1967, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam (nay là Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh) được thành lập tại địa bàn thôn 1, xã Tiên Lãnh. Đoàn tuồng ra đời quy tụ hơn 30 anh chị em gồm diễn viên của những đội văn công giải phóng ở các chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, những người am tường hát bội đang hoạt động ở các vùng tự do, vùng mới giải phóng và được biên chế như một đơn vị chiến đấu.
“Lấy tiếng hát át tiếng bom”, đoàn tuồng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng trên đất khu 5. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tâm tình: “Giai đoạn cuối năm 1967-1970, cuộc chiến tranh ngày càng đi vào khốc liệt, các anh chị em nghệ sĩ của đoàn tuồng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, cưu mang của người dân thôn 1, xã Tiên Lãnh. Chỉ trong thời gian ngắn, bà con địa phương đã huy động được 12 máy khâu ra sức may trang phục, phông màn giúp đoàn chuẩn bị cho buổi ra mắt. Phụ nữ của thôn cũng ngày đêm âm thầm tiếp tế nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết để anh em trong đoàn yên tâm làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn”.
Các nghệ sĩ nhà hát đến thăm gia đình cụ Trần Thị Dấm.
Hay tin đoàn nghệ sĩ nhà hát đến thăm, cụ Trần Thị Dấm (90 tuổi, thôn 1) chống gậy ra tận đầu ngõ đón. Cụ Dấm cầm tay hỏi han từng người khiến ai cũng xúc động. Ngày trước, cụ Dấm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Lãnh, thường xuyên đi kiểm tra bếp ăn, nơi ở của đoàn để kịp thời tiếp tế, giúp đỡ và đôn đốc các chị em cùng tham gia. Cụ Dấm nói: “Nghe các con về nguồn, biểu diễn cho bà con địa phương xem, già vui lắm. Mắt già giờ không còn tỏ, đôi tai đã nặng nhưng hễ nghe ai nhắc đến hát tuồng, hát bội, già lại nhớ đoàn tuồng”.
Tri ân
Thời gian đoàn đến thăm và biểu diễn phục vụ là những ngày bà con địa phương có dịp sống trong không khí sôi động của nghệ thuật tuồng truyền thống. Người già, trẻ nhỏ háo hức trông cho trời mau tối để được đến sân khấu UBND xã xem tuồng. Bà Nguyễn Thị Liễu (thôn 6) nhà ở cách xa đến 6 cây số, hôm nào cũng giục các con thay nhau chở đi xem. “Bà con rất thích xem tuồng nên dù đang vào mùa thu hoạch, công việc đồng áng có phần mệt nhọc nhưng chẳng ai bỏ sót buổi diễn nào” - bà tâm sự. Còn ông Lương Ngọc Huệ (thôn 9) cũng cho hay khá lâu rồi mới được xem các vở tuồng yêu thích. “Tôi mê tuồng từ nhỏ, hễ nghe tin có đoàn văn công về biểu diễn thế nào cũng đi xem cho bằng được. Với tôi, tuồng là loại hình nghệ thuật có tính giáo dục rất sâu sắc về cách đối nhân xử thế, tinh thần tự tôn dân tộc… Vì vậy, tôi luôn vận động con cháu trong nhà cùng đi xem tuồng”.
Một tiết mục văn nghệ giao lưu với thanh niên địa phương
Cũng như ông Huệ và bà Liễu, người dân địa phương không chỉ đến xem tuồng cho thỏa sở thích mà còn là dịp được gặp mặt văn nghệ sĩ đồng hương từng chọn nghệ thuật tuồng để dấn thân. Ngày trở lại, họ đang đứng nơi sân khấu quê nhà với tâm thế tự tin và thuần thục trong từng vai diễn. Hiện có 3 người con của quê hương Tiên Lãnh đang là nghệ sĩ trẻ của nhà hát. Anh Trần Văn Thuận (thôn 1) tâm sự: “Gia đình tôi rất mê tuồng. Cha tôi ngày trước từng tham gia Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam. Con gái hiện đang học lớp 12 cũng rất thích tuồng và mong ước sẽ được gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Tôi tin tuồng sẽ không bị lãng quên và luôn có người tiếp bước”.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ: “Hoạt động về nguồn của anh em nghệ sĩ nhà hát không chỉ là dịp để tri ân những người từng đồng cam cộng khổ buổi đầu thành lập. Thông qua các đêm diễn, chúng tôi mong muốn mang đến không gian tuồng đúng nghĩa. Có điều kiện về thăm, biểu diễn phục vụ và cảm nhận tình cảm yêu mến nghệ thuật tuồng của bà con, anh em nghệ sĩ rất phấn khởi, càng thêm hiểu hơn về con người và vùng đất vốn chịu nhiều đau thương, mất mát trong những năm kháng chiến ác liệt”.
Hàn Giang - Báo Quảng Nam