SƠN HẬU
“SƠN HẬU”: vở tuồng cổ Việt Nam, khuyết danh, ra đời khoảng nửa cuối thế kỉ 18, sau này được Đào Tấn chỉnh lí. Tích chuyện lấy trong sử sách Trung Quốc.
Vua Tề già yếu, sắp qua đời, thái sư Tạ Thiên Lăng chiếm ngôi, hạ ngục thứ phi đang có mang. Võ tướng Khương Linh Tá và Đổng Kim Lân là hai tôi trung đã cứu thứ phi. Chuyện bại lộ, Tạ Thiên Lăng cho quân đuổi theo, Khương Linh Tá ở lại cản đường để Đổng Kim Lân đưa thứ phi và hoàng tử vừa mới sinh chạy trốn. Thế giặc mạnh, Linh Tá chống không nổi, bị chém đứt đầu. Kim Lân bị lạc trong rừng, Linh Tá hiện hồn cầm đèn soi đường cho Kim Lân, đưa được hoàng tử và thứ phi đến thành Sơn Hậu. Đổng Kim Lân củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu với Tạ Thiên Lăng. Tạ Thiên Lăng bắt mẹ của Đổng Kim Lân làm con tin, nếu Kim Lân phá thành chúng sẽ giết mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyệt Hạo, chị gái của Tạ Thiên Lăng, quân của Đổng Kim Lân đã đưa bà đổi lấy mẹ Kim Lân. Cuối cùng, quân của Kim Lân chiến thắng. Hoàng tử lên ngôi vua Tuồng “Sơn hậu” lời mộc mạc, đại chúng, đề cao chính nghĩa và bản chất tốt đẹp của con người dám xả thân vì nghĩa lớn. Hành động xuyên suốt vở tuồng là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phái chính và tà, khẳng định lí tưởng thẩm mĩ “thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà”. Xem “SH” không ai quên được tình bạn đẹp đẽ và cao quý của Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá, hình ảnh khảng khái của Đổng mẫu trước quân thù. Các mảng trò “Đổng Kim Lân”, “Khương Linh Tá thử Lê Tử Trình”, “Ngọn đèn Khương Linh Tá”, “Đổng mẫu thượng thành”, vv. đã trở thành những trích đoạn cổ điển nổi tiếng trong nghệ thuật tuồng truyền thống dân tộc..