PHÁT TRIỂN SÂN KHẤU NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG - BÁO ĐÀ NẴNG ĐIỆN TỬ
Thời gian gần đây, hoạt động sân khấu truyền thống tại Đà Nẵng diễn ra khá rộn ràng, các chương trình tuồng, bài chòi thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài nước đến xem. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định nỗ lực của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống trên chặng đường bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trong chương trình "Tuồng xuống phố". Ảnh: X.D |
Sự bận rộn đáng mừng
Đà Nẵng là vùng đất có nhiều loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian như: hát bội (tuồng), bả trạo, bài chòi, đồng dao, hò khoan đối đáp… tạo ra một địa chỉ văn hóa phong phú, đa tầng, đa dạng. Trong đó, nghệ thuật tuồng và bài chòi là hai loại hình phổ biến nhất, in sâu vào tiềm thức của nhân dân. Cùng với sự khởi sắc của du lịch, những tháng gần đây, các sân khấu nghệ thuật truyền thống ngoài trời thu hút rất đông khán giả đến xem.
Như thường lệ, vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tổ chức biểu diễn hô hát bài chòi và nhạc cụ truyền thống cho người dân, du khách tại khu vực phía nam bờ đông cầu Rồng. Hay cứ đến Chủ nhật hằng tuần, sân khấu nhỏ bên sông Hàn cũng trở nên tưng bừng với những tiết mục múa, hát, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống và trích đoạn “Tuồng xuống phố” do các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Dù là chương trình ngoài trời, biểu diễn miễn phí, song các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuẩn bị rất công phu, bài bản. Nhờ vậy, mỗi đêm diễn đều để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân, du khách. Chị Bùi Thu Hà, người dân quận Sơn Trà chia sẻ: “Nghệ thuật truyền thống nói chung, tuồng, chèo, bài chòi nói riêng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Tuy nhiên, theo tôi, một trong các nguyên nhân khiến khán giả trẻ ít mặn mà với những thể loại nghệ thuật này vì ít được nghe, nhìn, chưa hiểu biết nhiều về văn hóa, lịch sử. Thành phố tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống ngoài trời như trên là một điều đáng quý, tạo thành hiệu quả mưa dầm thấm lâu, khán giả nghe nhiều sẽ hiểu, từ hiểu đến yêu thích. Qua đó, tiến thêm một bước trong việc bảo tồn và phát huy được những giá trị nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại”, chị Hà nêu quan điểm.
Ngoài phục vụ sân khấu bên sông Hàn, các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tất bật với nhiều chương trình nghệ thuật tại nhà hát, biểu diễn ở các địa phương và hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố. Từ cuối năm 2022 đến nay, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh duy trì biểu diễn phục vụ du khách ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với chương trình “Con đường di sản”.
Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, mỗi chương trình có thời lượng 30 phút với ekip khoảng 20 người, diễn vào thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần. Sau khi xây dựng và bán bản quyền cho sân bay, nhà hát có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư, xây dựng các chương trình nghệ thuật khác cũng như nâng cao đời sống nghệ sĩ.
“Quảng bá tuồng ở sân bay rất hiệu quả, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế, các hãng thông tấn nước ngoài... Từ hiệu ứng của chương trình này, các khách sạn ở Đà Nẵng cũng đã kết nối với chúng tôi để đưa tuồng vào khách sạn diễn cho du khách xem”, ông Tuấn chia sẻ.
Dần lấp đầy những khoảng trống
Việc khán giả quay trở lại với sân khấu nghệ thuật truyền thống ngày một nhiều có thể nói là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong tổng thể nỗ lực bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đặc biệt này còn cần rất nhiều yếu tố liên quan. Trong đó, một việc quan trọng là phải có đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực sân khấu thật sự chuyên nghiệp, tâm huyết. Thế nhưng lâu nay, một số vị trí quan trọng trong đội ngũ ấy như: người viết/chuyển thể kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ sân khấu, họa sĩ thiết kế... còn khá mỏng.
Vì vậy, sân khấu ca kịch ở Đà Nẵng vẫn thiếu những tác phẩm lớn, mang dấu ấn địa phương, được đông đảo công chúng biến đến. Mỗi khi Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng một vở tuồng bề thế hay chương trình nghệ thuật quy mô vẫn phải tìm đến các ekip, tác giả ở địa phương khác (chủ yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) để đặt hàng, mời hợp tác.
Ông Trần Ngọc Tuấn cho biết, đơn vị hiện có đội ngũ diễn viên, nhạc công với 51 người. Trong đó, có hơn 10 người là NSND, NSƯT dày dạn kinh nghiệm, còn lại là các diễn viên, nhạc công trẻ, được đào tạo bài bản. Để lấp dần khoảng trống về đội ngũ người viết/chuyển thể kịch bản, đạo diễn, nhà hát hiện có NSƯT Phan Văn Quang, thâm niên 7 năm làm đạo diễn, đã dàn dựng cho các nghệ sĩ của đơn vị biểu diễn khoảng 10 vở tuồng và trích đoạn.
Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của thành phố, nhà hát được bổ sung kịp thời 12 biên chế, là diễn viên trẻ được đào tạo bài bản từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. “Các em được nhà hát tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình, hội thi, liên hoan nghệ thuật truyền thống toàn quốc. Nhờ đó, ngày càng vững vàng về chuyên môn, kỹ năng biểu diễn. Trong vòng 15 năm tới, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát không cần phải thay đổi, tăng cường”, ông Tuấn khẳng định.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là kịch bản sân khấu. Cuối năm 2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố in và phát hành 2 tập sách, gồm: “Kịch bản dân ca Khu 5” và “Nhạc dân ca bài chòi và tuồng”. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Nguyễn Thanh Tùng, đây là 2 công trình được sưu tầm, chọn lọc và biên tập công phu.
Trong đó, cuốn “Nhạc dân ca bài chòi và tuồng” giới thiệu chi tiết về các loại nhạc cụ, bản nhạc tuồng và dân ca, là tư liệu quý giúp cho nhạc công biểu diễn tốt hơn. Còn cuốn “Kịch bản dân ca Khu 5” tuyển chọn những kịch bản hay của các nghệ sĩ nổi tiếng, gần gũi với người dân để phục vụ phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở.
Hiện 2 công trình này đã được chuyển đến các đến các cơ sở văn hóa, thể thao quận, huyện và các trường học. “Mong rằng thành phố tiếp tục sưu tầm các kịch bản hay in thành sách, đồng thời 2 năm/lần tổ chức hội thi dân ca bài chòi và tuồng ở khu vực miền Trung để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống của địa phương”, ông Tùng nói.
KHÔI NGUYÊN
NGUỒN: https://baodanang.vn/channel/5414/202309/phat-trien-san-khau-nghe-thuat-truyen-thong-3957574/index.htm?fbclid=IwAR34oEBlY3ukqscrHxBHSTXNjusQkPxY8sFl6FTZXLLSDX0_PF9w5dcJBB0